Khi thép nội đang phải đối mặt với các vụ kiện bán phá giá ở nước ngoài thì ngay trên “sân nhà”, thị trường thép cũng đang dần bị thép giá rẻ chiếm lĩnh, đặc biệt là thép Trung Quốc.
thép việt đang chịu cạnh tranh gay gắt
Nhập khẩu ồ ạt
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy: Lượng sắt thép nhập khẩu tháng 8/2015 đạt 1,53 triệu tấn, trị giá 695 triệu USD. Tính chung 8 tháng đầu năm, sắt thép nhập khẩu đạt 9,91 triệu tấn, tăng 41,1% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, gần 6 triệu tấn sắt thép được nhập khẩu từ Trung Quốc, chiếm hơn 60% tổng sản lượng sắt thép nhập khẩu.
Dù đơn giá nhập khẩu sắt thép các loại bình quân 8 tháng năm 2015 giảm 22,7%, nhưng trị giá nhập khẩu vẫn đạt 5,14 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt, tính riêng đối với sản phẩm tôn mạ màu Trung Quốc, 9 tháng đầu năm, tổng sản lượng nhập khẩu đã là 226 nghìn tấn, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2014 (145 nghìn tấn); sản phẩm từ tôn kẽm là 518 nghìn tấn, tăng 187% so với cùng kỳ năm trước (180 nghìn tấn). Trên thị trường, những sản phẩm này cũng có giá thành thấp hơn hẳn so với hàng trong nước. Giá tôn mạ của Việt Nam dao động 65.000- 75.000 đồng/m, tôn Trung Quốc chỉ có giá khoảng 50.000 đồng/m.
Ông Nguyễn Văn Đăng - Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty TNHH thép Việt – Nhật - bức xúc: Tôn thép Trung Quốc đang lấn át hàng trong nước do giá thành rẻ. Từ đầu năm đến nay, giá thép Trung Quốc bán lẻ giảm giá xấp xỉ 50%. Tháng 1/2015, giá thép tấm Trung Quốc ở mức 420 USD/tấn nay chỉ còn 280 – 290 USD/tấn.
Nguyên nhân chính của tình trạng này được ông Hồ Nghĩa Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - lý giải: Thép Trung Quốc sử dụng “tiểu xảo”, biến thép xây dựng thành thép hợp kim để được hoàn thuế giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, đồng Nhân dân tệ xuống giá cũng khiến giá mặt hàng nhập khẩu giảm theo, trong đó có thép.
Doanh nghiệp trong nước lao đao
Trước tình trạng này, nhiều DN sản xuất thép trong nước đang lâm vào tình cảnh khó khăn, thậm chí nhiều DN đã nghĩ tới việc đóng cửa sản xuất.
Theo ông Hoàng Ngọc Diệp - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) - cho biết: So với năm 2014, giá thép đã giảm tới hơn 2 triệu đồng/tấn. Với giá thép xuống sâu như hiện nay, DN đã phải cắt giảm cũng như tiết kiệm mọi chi phí, thậm chí giảm cả lương công nhân để hạ giá thành nhưng vẫn rất khó khăn. Mọi việc dường như ngoài tầm kiểm soát của DN.
Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam - lo ngại: 9 tháng đầu năm, ngành thép vẫn đang có tốc độ tăng trưởng 30,9%. Tuy nhiên, kết quả này do sự ấm lên của thị trường bất động sản. May mắn này sẽ không thể kéo dài sang năm 2016 nếu Việt Nam không có các biện pháp phòng vệ trước sự tràn ngập của thép nhập khẩu. Không chủ động ứng phó, DN trong nước đã khó sẽ lại càng khó hơn.
Từ đầu năm đến nay, giá thép Trung Quốc bán lẻ giảm xấp xỉ 50%. Tháng 1/2015, giá thép tấm Trung Quốc ở mức 420 USD/tấn nay chỉ còn 280 - 290 USD/tấn.
nguồn: báo công thương